Gương điển hình tiên tiến: Ông Lê Bá Linh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sơn mài, điêu khắc tỉnh Bình Dương
Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh (tên thường gọi chú Tư Bốn) - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội Sơn Mài - Điêu Khắc Tỉnh Bình Dương, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ông có hơn 30 năm làm nghề sơn mài mỹ nghệ, bén duyên với nghề từ khi còn trẻ, ông luôn tâm niệm: “Yêu nghề không chỉ giữ nghề, theo nghề mà phải làm cho nghề ngày càng phát triển, tâm huyết cả đời với nghề”.
Bằng tình yêu nghề, năng động, sáng tạo, từ hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, năm 2007, ông Linh thành lập Công ty TNHH MTV Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn. Công ty đã đạt được nhiều giải thưởng tiêu biểu về sản phẩm sơn mài trong nước. Công ty Sơn mài Tư Bốn còn là điểm tham quan hấp dẫn về làng nghề truyền thống dành cho du khách trong và ngoài nước. Ông Linh luôn tích cực tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, nghiên cứu về chất liệu, vật liệu mới phù hợp cho sản xuất bắt kịp xu hướng và yêu cầu của khách hàng đồng thời phổ biến đến các cơ sở, hội viên trong Hiệp hội phát triển sản xuất góp phần xây dựng làng nghề truyền thống sơn mài ngày càng phát triển. Thời gian qua, ông Linh còn tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, xã hội tại địa phương, hỗ trợ các gia đình có hữu sự, hàng năm nhân dịp xuân về thường xuyên tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn góp phần lan tỏa nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc.
Thời điểm vàng son, làng sơn mài Tương Bình Hiệp có đến gần 90% người dân làm nghề, sống bằng nghề sơn mài có công việc ổn định, thu nhập cao, các nghệ nhân, người làm nghề thời bấy giờ là niềm tự hào của địa phương cũng như của doanh nghiệp, cơ sở đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển nghề sơn mài tại làng nghề Tương Bình Hiệp và Thành phố Thủ Dầu Một. Tuy nhiên khoảng trên 10 năm trở lại đây, các nghệ nhân, cơ sở sơn mài tại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp dần mai một, các cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn như: số lượng đơn hàng giảm, thiếu nguồn thợ giỏi do nhiều người đã lớn tuổi đã nghỉ cũng như xu hướng thị trường ngày càng thay đổi về mẫu mã, giá cả, thời gian đồng thời phải cạnh tranh với nhiều mặt hàng mỹ nghệ công nghiệp khác.
Để trụ vững trong sản xuất với tình yêu và mong muốn gìn giữ nghề, ông Linh chủ động đầu tư máy móc, thiết bị đồng thời tổ chức sản xuất theo hướng mới kết hợp thủ công với hiện đại. Công nhân, người thợ được phân công chuyên môn hóa theo từng lĩnh vực, công đoạn. Ông truyền đạt cho các nghệ nhân trẻ những kỹ năng, kỹ thuật mới trong sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm của công ty từ những chất liệu khác nhau như gỗ, ván ép, tre, MDF... kết hợp với nghệ thuật dát vàng, bạc, vẽ, in, cẩn ốc, cẩn trứng đã mang đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm độc đáo, tạo nên thương hiệu “Sơn mài Tư Bốn”. Nhiều sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường trong và ngoài nước như: Bàn, ghế, lọ hoa, bình, hũ, hộp, quà tặng, hàng trang trí trong nhà... Các sản phẩm mang đậm dấu ấn đặc trưng nghệ thuật sơn mài Bình Dương được ứng dụng kết hợp mỹ thuật, kỹ thuật truyền thống với thiết kế theo phong cách hiện đại phù hợp xu hướng tiêu dùng của thị trường đa dạng như: quà tặng, tranh, ảnh, bao bì cao cấp, đồ dùng trong khách sạn, nội thất gia đình…
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp, cơ sở làm nghề sơn mài tại Tương Bình Hiệp đã nỗ lực xây dựng nhiều sản phẩm từ làng nghề được công nhận đạt chuẩn OCOP (Ứng dụng chứng nhận sản phẩm nông, lâm, thủy sản và các sản phẩm từ thủ công mỹ nghệ). Đặc biệt, một số sản phẩm đã đạt được danh hiệu OCOP 3 sao trong đó Công ty Sơn mài Tư Bốn đã được công nhận 9 sản phẩm, thể hiện chất lượng và giá trị cao của nghề sơn mài Tương Bình Hiệp.
Những sản phẩm sơn mài tại làng nghề Tương Bình Hiệp được công nhận OCOP là niềm tự hào cho người làm nghề mà còn là động lực mạnh mẽ giữ lửa cho nghề sơn mài truyền thống. Việc các sản phẩm từ làng nghề này được công nhận OCOP sẽ thu hút sự quan tâm từ phía người tiêu dùng cũng như sự đầu tư hỗ trợ từ chính quyền địa phương và tạo động lực mạnh mẽ cho các nghệ nhân, người làm nghề tâm huyết gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài tại Tương Bình Hiệp đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.
Ông Lê Bá Linh - Nghệ nhân ưu tú, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội Sơn Mài - Điêu Khắc tỉnh Bình Dương là tấm gương tiêu biểu về đoàn kết, sáng tạo xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh. Công ty TNHH MTV Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn nói chung và ông Linh nói riêng ý thức rõ việc nâng cao chất lượng và giá trị nghệ thuật thông qua quảng bá và kết hợp du lịch để thu hút khách hàng, nâng cao thu nhập. Mặc khác, ông đã góp phần không nhỏ trong việc “Giữ lửa” cho làng nghề truyền thống, đưa nghề sơn mài phường Tương Bình Hiệp ngày càng phát triển và vươn mình ra thị trường quốc tế.
MTTQ phường Tương Bình Hiệp