Biểu trưng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
--------------------------------------------
MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM
Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc ta. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất để cùng nhau chống kẻ thù chung vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước, ngày 18.11.1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế Đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.
Từ đó tới nay, ở mỗi thời kỳ khác nhau có những hình thức và tên gọi tổ chức cụ thể khác nhau phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng nhưng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, nơi tập hợp các giai tầng trong xã hội vì những mục tiêu lớn của dân tộc luôn tồn tại và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam - người chủ xướng việc hình thành Mặt trận Dân tộc thống nhất trong thời hiện đại - vừa là thành viên tích cực của Mặt trận vừa bằng sự sáng tạo, đúng dắn trong đường lối, chính sách, sự gương mẫu phấn đấu vì lợi ích chung của dân tộc đã được các thành viên của Mặt trận thừa nhận vai trò lãnh đạo.
Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hình thức tổ chức của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam với mục tiêu tập hợp và phát huy sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân phấn đấu cho một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh.
MẶT TRẬN THỐNG NHẤT PHẢN ĐỂ ĐÔNG DƯƠNG
HỘI PHẢN ĐẾ ĐỒNG MINH (18-11-1930)
Ngay từ Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã vạch ra sự cần thiết phải xây dựng một Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm đoàn kết các giai tầng trong xã hội, các tổ chức chính trị, các cá nhân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh mọi nhân tố của dân tộc phấn đấu cho sự nghiệp chung giải phóng dân tộc.
Qua phong trào cách mạng phản đế, phản phong sôi nổi trong cả nước mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh, các tổ chức chính trị với các hệ tư tưởng khác nhau nhưng gặp nhau ở mục tiêu giải phóng dân tộc lần lượt xuất hiện với sự tham gia của nhiều tầng lớp, nhiều dân tộc. Quá trình này cũng khẳng định năng lực cách mạng của các giai tầng trong xã hội, khẳng định vị trí đặc biệt và hệ tư tưởng của giai cấp công nhân với việc định hướng cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Quá trình này cũng khẳng định khối liên minh công nông là cơ sở của Mặt trận Dân tộc thống nhất do Đảng chủ xướng. Trong Án nghị quyết về vấn đề phản đế tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10 năm 1930 đã nêu rõ sự cấp thiết phải thành lập Mặt trận Thống nhất phản đế. Ngày 18/11/1930 Ban Thường vụTrung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.
PHẢN ĐẾ LIÊN MINH (3-1935)
Tháng 3 năm 1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất đã thông qua nghị quyết về công tác Phản đế liên minh, quyết định thành lập và thông qua điều lệ của tổ chức nhằm tập hợp tất cả các lực lượng phản đế toàn Đông Dương. Điều lệ của Phản đế liên minh rộng và linh hoạt hơn Điều lệ Hội phản đế Đồng minh. Bất kỳ người hoặc đoàn thể nào thừa nhận nghị quyết, Điều lệ và thường xuyên nộp hội phí thì được thừa nhận là hội viên.
MẶT TRẬN THỐNG NHẤT NHÂN DÂN PHẢN ĐẾ (10-1936)
Chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân Phản đế được phổ biến qua tài liệu chung quanh vấn đề chính sách mới ngày 30/10/1936 khắc phục những sai lầm trong nhận thức và hành động trong quá trình thực hiện liên minh thời kỳ trước. Việc tập hợp lực lượng trong Mặt trận được công khai qua bức thư ngỏ của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi cho Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp bày tỏ sự đồng minh với nhân dân Pháp, kêu gọi ban hành một số quyền tự do dân chủ cơ bản cho nhân dân Đông Dương và hô hào "tất cả các đảng phái chính trị, tất cả các tầng lớp nhân dân Đông Dương tham gia Mặt trận nhân dân Đông Dương".
MẶT TRẬN DÂN CHỦ ĐÔNG DƯƠNG (6-1938)
Sau khi Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền với bản chương trình hành động trong đó có nêu việc thành lập một Ủy ban của nghị viện điều tra tình hình chính trị và kinh tế ở các thuộc địa, cùng với nhiều nước thuộc địa khác, các nhà yêu nước Việt Nam kêu gọi "tiến tới một cuộc Đông Dương Đại hội". Sáng kiến đó được Đảng Cộng sản Đông Dương ủng hộ bằng bức thư ngỏ tháng 8-1936 nêu 12 nguyện vọng cụ thể làm cơ sở cho Đông Dương Đại hội, lời kêu gọi đã dấy lên một phong trào sôi nổi trong nhân dân cả nước.
Tháng 9-1937, một loạt các tổ chức như Thanh niên Dân chủ Đông Dương, Hội Cứu tế bình dân, Công hội, Nông hội ra đời cùng với việc hoạt động công khai và nửa công khai của các tổ chức quần chúng nhuư hội ái hữu, tương tế, các hội hoạt động âm nhạc... từng bước hình thành một Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Tháng 6/1938, Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư công khai cho các đảng phái đề nghị gác các ý kiến bất đồng để "bước tới thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương" chính trong thời kỳ này từ những phong trào Mặt trận đã dần hình thành Mặt trận với tính chất của một tổ chức.
MẶT TRẬN THỐNG NHẤT DÂN TỘC PHẢN ĐẾ ĐÔNG DƯƠNG (11-1939)
Tháng 9 năm 1939, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bùng nổ, Mặt trận Dân chủ Đông Dương bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Cùng với sự đầu hàng thoả hiệp của thực dân Pháp với phát xít Nhật, vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương đã đặt ra. Tháng 11/1939, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo, chuyển cuộc vận động Mặt trận Dân chủ thành Mặt trận Dân tộc thống nhất chống chiến tranh đế quốc với tên gọi chính thức: Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương nhằm liên hiệp tất cả các dân tộc Đông Dương, các giai tầng, đảng phái, cá nhân có tinh thần phản đế muốn giải phóng dân tộc chống đế quốc, bè lũ tay sai của chúng và vua chúa bản xứ phản bội quyền lợi dân tộc. Các tổ chức phản đế phát triển nhanh chóng dưới hình thức bí mật và công khai.
VIỆT NAM ĐỘC LẬP ĐỒNG MINH HỘI
GỌI TẮT LÀ MẶT TRẬN VIỆT MINH (19-5-1941)
Năm 1940, quân Nhật kéo vào Đông Dương, thực dân Pháp đầu hàng và làm tay sai cho phát xít Nhật. Tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp - Nhật với tên gọi Việt Nam Độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh đã ra đời ngày 19.5.1941, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và làm cờ tổ quốc "khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà".
Mặt trận Việt Minh thu hút được mọi giới đồng bào yêu nước, từ công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản đến tư sản dân tộc, phú nông và một số địa chủ nhỏ có tinh thần yêu nước, đưa tới cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật của toàn dân ta trong những năm 1941-1945, Mặt trận Việt Minh là một trong những nhân tố cơ bản bảo đảm cho cách mạng thành công.
Từ sáng kiến triệu tập toàn quốc đại biểu đại hội, Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào trong 2 ngày 16-17/8/1945 đã thông qua lệnh tổng khởi nghĩa, quyết định quốc kỳ, quốc ca, cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc tức là Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tuyên ngôn độc lập, đại biểu tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng đọc lời hiệu triệu đồng bào cả nước.
HỘI LIÊN HIỆP QUỐC DÂN VIỆT NAM
GỌI TẮT LÀ HỘI LIÊN VIỆT (29-5-1946)
Năm 1946, giữa lúc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa ra đời phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn, một Ban vận động thành lập Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam gồm 27 người với đại biểu Việt Minh là Hồ Chí Minh, được thành lập nhằm mở rộng hơn nữa khối đoàn kết dân tộc.
Việt Minh và Liên Việt đã cùng nhau làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cách mạng non trẻ đối phó có hiệu lực với thù trong giặc ngoài.
MẶT TRẬN LIÊN VIỆT (3-3-1951)
Năm 1951, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đi vào giai đoạn quyết liệt, thực hiện khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", yêu cầu tập hợp các hình thức tổ chức Mặt trận để đoàn kết động viên toàn dân ta tập trung sức người sức của đẩy mạnh kháng chiến trở nên cấp bách. Với các chủ trương đường lối đúng đắn Đảng Lao động Việt Nam và sự ủng hộ tích cực của các Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ, các tổ chức chính trị, các nhân sĩ trí thức trong Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt, hai tổ chức Mặt trận được hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt.
Mặt trận Liên Việt đã góp phần động viên công sức của toàn quân, toàn dân lập nên chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ, đưa đến việc ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (10-9-1955)
Đế quốc Mỹ nhảy vào miền nam Việt Nam, hất cẳng thực dân Pháp và phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ âm mưu chiếm đóng miền Nam chia cắt lâu dài nước ta. Cách mạng Việt Nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Trong bối cảnh đó, ngày 10.9.1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời với mục đích đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy tác dụng to lớn của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã động viên đồng bào và chiến sĩ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và hết lòng hết sức đáp ứng các yêu cầu của cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và giúp đỡ các nhà tư sản dân tộc thông suốt chính sách làm cho cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tiến hành thuận lợi, đạt kết quả. Mặt trận đã tích cực góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ra sức động viên nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng chính quyền cách mạng, phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế, thực hiện nếp sống mới, xây dựng con người mới.
MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM (20-12-1960)
Trong cao trào đồng khởi của đồng bào miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (20-12-1960) nhằm đoàn kết toàn dân đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ Ngụy quyền tay sai của chúng, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Với đường lối đúng đắn ấy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa của mình các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và mọi người Việt Nam yêu nước, để cùng nhau chống Mỹ cứu nước.
Mặt trận dân tộc giải phóng không ngừng củng cố và mở rộng khối đoàn kết dân tộc, tổ chức và động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao. ảnh hưởng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng không ngừng được mở rộng trong các tầng lớp nhân dân miền Nam và uy tín của Mặt trận đã được nâng cao trên trường quốc tế
LIÊN MINH CÁC LỰC LƯỢNG DÂN TỘC DÂN CHỦ VÀ HÒA BÌNH VIỆT NAM (20-4-1968)
Trong cao trào tiến công và nổi dậy đầu xuân Mậu Thân (1968), Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam ra đời (20-4-1968). Kết tụ từ các phong trào đấu tranh yêu nước của các giới sinh viên, học sinh, trí thức, đồng bào tôn giáo, công thương gia, nhân sĩ dân chủ tại các thành thị miền Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam bằng những công tác trong nước và ngoài nước đã góp sức động viên xúc tiến các phong trào ấy, tăng thêm sức mạnh cho khối đoàn kết toàn dân, chống Mỹ cứu nước.
Phấn đấu cho một mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc thực hiện thống nhất nước nhà, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam đã luôn luôn hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ nhau tạo nên một sức mạnh không gì lay chuyển nổi của khối đại đoàn kết dân tộc, và đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân đến thắng lợi hoàn toàn, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất nước nhà.
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (4-2-1977)
Sau khi cả nước đã được độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn của một quốc gia đòi hỏi hợp nhất 3 tổ chức Mặt trận. Nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp từ 31-1 đến 4-2-1977 tại thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất ba tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam - Bắc nước ta thành một tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất ý chí của tất cả các tổ chức của các giai tầng trong xã hội, các cá nhân tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo, tầng lớp, các vị lãnh đạo tiêu biểu cho ý chí đoàn kết của dân tộc, luôn phấn đấu xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc vững mạnh thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh vị lãnh tụ của toàn dân tộc: "Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".
-----------------------------------------------------------------------------------
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương qua các kỳ đại hội
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương đã trải qua 10 kỳ Đại hội:
1. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sông Bé lần thứ I (nhiệm kỳ 1977 - 1984)
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sông Bé lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 17 đến 19/10/1977 tại Thị xã Thủ Dầu Một với 170 đại biểu đại diện cho các giới đồng bào, các đoàn thể nhân dân, quân đội nhân dân, các tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ trí thức, các nhà công thương...
Chủ đề Đại hội: “Tăng cường và mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, động viên đồng bào trong tỉnh ra sức phấn đấu hoàn thành kế hoạch của Đại hội Tỉnh Đảng bộ đề ra, đưa tỉnh Sông Bé chúng ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”
Đại hội hiệp thương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sông Bé nhiệm kỳ I gồm 45 thành viên với 11 Ủy viên thường trực. Ông Võ Minh Đức, Tỉnh ủy viên, nguyên Chủ tịch Ủy ban Lâm thời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Chủ tịch. Các phó Chủ tịch gồm ông Lê Văn Thâm (Phó Bí Thư Tỉnh ủy), Huỳnh Văn Điển (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Lâm thời Mặt trận Tổ quốc tỉnh, dân tộc Châu Ro), Cao Anh Kiệt (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Lâm thời Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cán bộ hưu trí), Huỳnh Văn Cường (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Lâm thời Mặt trận Tổ quốc tỉnh).
2. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sông Bé lần thứ II (nhiệm kỳ 1984 - 1987)
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sông Bé lần thứ hai (nhiệm kỳ 1984-1987) được tổ chức từ ngày 28 - 29/11/1984 tại Thị xã Thủ Dầu Một. Chủ đề Đại hội: “Tăng cường sự đoàn kết nhất trí, phát huy tốt vai trò của MTTQ, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động hoàn thành xuất sắc kế hoạch Nhà nước của tỉnh, góp phần thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”.
Đại hội đã nhất trí cử ra Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nhiệm kỳ II (1984–1987) gồm 56 uỷ viên. Ông Phan Văn Hiếu (ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch gồm: ông Trần Khắc Minh, Trần Xuân Minh (thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh), ông Nguyễn Văn Tân (Chủ tịch Hội Liên hiệp Nông dân tập thể), bà Nguyễn Thị Én (Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ), bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Quyền Bí thư Tỉnh Đoàn), ông Điểu Mun (Phó ban Dân tộc tỉnh).
3. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sông Bé lần thứ III (nhiệm kỳ 1990 - 1995)
Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sông Bé lần thứ III được tổ chức hai ngày từ ngày 19 và 20/11/1990, tại hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh. Chủ đề Đại hội: “Đoàn kết và đổi mới, đưa công tác và tổ chức Mặt trận Tổ quốc lên ngang tầm nhiệm vụ cách mạng để góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn cách mạng mới”.
Đại hội đã hiệp thương cử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sông Bé khóa III gồm 46 vị, trong đó có 07 cán bộ chuyên trách. Ông Trần Khắc Minh làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; ông Nguyễn Văn Nhuần, Phó Chủ tịch; ông Nguyễn Xuân Vinh, Ủy viên Thư ký.
Ngày 01/01/1997, tỉnh Bình Dương được tái lập trên cơ sở tách tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh (Bình Dương và Bình Phước). Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lâm thời tỉnh Bình Dương được thành lập gồm 23 tổ chức thành viên, cơ cấu tổ chức gồm 55 ủy viên, 8 cán bộ chuyên trách. Ban Thường trực lâm thời gồm ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch, ông Nguyễn Xuân Vinh – Phó chủ tịch Thường trực, ông Trần Đức Thịnh – Ủy viên Thường trực.
4. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ IV (nhiệm kỳ 1998 - 2000)
Ngày 12/12/1997, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương đã tiến hành Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 1998 - 2000. Chủ đề đại hội: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân đưa tỉnh Bình Dương tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa”
Đại hội đã hiệp thương cử Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương khóa IV, nhiệm kỳ 1998 - 2000 với 61 ủy viên đại diện cho khối đoàn kết toàn dân tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Văn Minh làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch gồm có: ông Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Khải Hoàn và bà Đỗ Thị Phượng, ông Trần Đức Thịnh làm Ủy viên Thường trực.
5. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ V (nhiệm kỳ 2001 - 2004)
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ V, nhiệm kỳ 2001 - 2004 diễn ra từ ngày 14 - 15/3/2001 tại Thị xã Thủ Dầu Một. Chủ đề Đại hội: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Bình Dương giàu mạnh, văn minh”.
Đại hội bầu ra Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương khóa V (nhiệm kỳ 2001 - 2004) với 66 ủy viên. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh bầu Ban Thường trực gồm ông Phan Văn Đương làm Chủ tịch, ông Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Ngọc Ẩn, Trần Đức Thịnh và bà Đỗ Thị Phượng làm Phó Chủ tịch.
6. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ VI (nhiệm kỳ 2004 - 2009)
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ VI (nhiệm kỳ 2004 - 2009) diễn ra từ ngày 22 - 23/6/2004 tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh. Chủ đề Đại hội: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc, phấn đấu xây dựng Bình Dương giàu mạnh, văn minh”.
Đại hội hiệp thương cử Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương khóa VI nhiệm kỳ 2004 - 2009 với 85 ủy viên đại diện đầy đủ cho các tổ chức thành viên và các giới đồng bào. Ngày 23/6/2004, trong phiên họp đầu tiên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã bầu ra ban lãnh đạo gồm: bà Đào Ngọc Nữ làm Chủ tịch; các Phó Chủ tịch gồm ông Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Ngọc Ẩn, Trần Đức Thịnh, bà Đỗ Thị Phượng.
* Năm 2007, bà Đỗ Thị Phượng và ông Nguyễn Xuân Vinh nghỉ hưu, ông Từ Xuân Sơn được cử làm Phó Chủ tịch.
* Năm 2008, bà Trần Thị Sơn được cử bổ sung làm Phó Chủ tịch.
7. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ VII (nhiệm kỳ 2009 - 2014)
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2009 - 2014 diễn ra từ ngày 14 - 15/5/2009 tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh với sự tham dự của 262 đại biểu chính thức. Chủ đề Đại hội: “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tỉnh Bình Dương giàu đẹp, văn minh”.
Đại hội đã hiệp thương cử Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2009 - 2014 gồm 90 ủy viên và 11 cán bộ chuyên trách. Bà Đào Ngọc Nữ được bầu tái cử chức vụ Chủ tịch; ông Trần Đức Thịnh, ông Từ Xuân Sơn và bà Trần Thị Sơn giữ chức Phó Chủ tịch.
* Năm 2010, bà Đào Ngọc Nữ nghỉ hưu, ông Trần Đức Thịnh chuyển công tác, ông Phạm Văn Cành được cử giữ chức vụ Chủ tịch, ông Nguyễn Tấn Lộc được cử làm Phó Chủ tịch.
* Năm 2012, ông Nguyễn Huỳnh Đình được cử làm Phó Chủ tịch.
* Năm 2013, ông Phạm Văn Cành chuyển công tác, ông Huỳnh Văn Nhị được hiệp thương cử giữ chức vụ Chủ tịch.
8. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014 - 2019)
Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 diễn ra từ ngày 26 - 27/6/2014 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương với sự tham dự của 286 đại biểu chính thức. Chủ đề Đại hội: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò, vị trí Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát triển tỉnh Bình Dương văn minh, hiện đại”
Đại hội đã bầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương khóa VIII nhiệm kỳ 2014 - 2019 với 93 vị Ủy viên tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh. Tại Hội nghị lần thứ nhất đã bầu ông Huỳnh Văn Nhị làm Chủ tịch; các Phó Chủ tịch là ông Từ Xuân Sơn, ông Nguyễn Huỳnh Đình, bà Trần Thị Kim Lan và bà Trần Thị Hồng Hạnh.
* Năm 2016, tại Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 tổ chức vào ngày 30/8/2016 đã hiệp thương cử ông Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Chủ tịch (thay ông Huỳnh Văn Nhị nghỉ hưu theo chế độ).
* Năm 2019, tại Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 tổ chức vào ngày 21/2/2019 đã hiệp thương cử ông Nguyễn Văn Lộc giữ chức vụ Chủ tịch (thay ông Nguyễn Thanh Liêm nghỉ hưu theo chế độ)
9. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019 - 2024)
Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 diễn ra trong 02 ngày 27 - 28/6/2019 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương với sự tham dự của 298 đại biểu chính thức đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và người Bình Dương ở nước ngoài, các dân tộc, tôn giáo.
Chủ đề Đại hội: “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp”.
Đại hội đã hiệp thương dân chủ cử ra Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 gồm 95 vị ủy viên tiêu biểu cho khối đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tại Hội nghị lần thứ nhất đã bầu ông Nguyễn Văn Lộc giữ chức vụ Chủ tịch; các Phó Chủ tịch gồm: ông Nguyễn Huỳnh Đình, bà Trần Thị Hồng Hạnh và bà Trần Thị Kim Lan.
* Tại Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 tổ chức vào ngày 16/6/2023 đã hiệp thương cử bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng giữ chức vụ Chủ tịch (thay ông Nguyễn Văn Lộc chuyển công tác)
* Tại Hội nghị lần thứ 11 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 tổ chức vào ngày 01/8/2024 đã hiệp thương cử ông Nguyễn Văn Dành giữ chức vụ Chủ tịch (thay bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng chuyển công tác)
10. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ X (nhiệm kỳ 2024 - 2029)
Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 diễn ra trong 02 ngày 26 - 27/8/2024 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương với sự tham dự của 315 đại biểu chính thức đại diện cho các tầng lớp nhân dân và các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh
Chủ đề Đại hội: “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”.
Đại hội đã hiệp thương thống nhất số lượng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 gồm 97 vị và hiệp thương dân chủ cử Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 gồm 95 vị ủy viên tiêu biểu cho khối đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong tỉnh (khuyết 02 vị cán bộ Mặt trận chuyên trách sẽ bổ sung trong nhiệm kỳ). Tại Hội nghị lần thứ nhất đã hiệp thương cử ông Nguyễn Văn Dành giữ chức vụ Chủ tịch; các Phó Chủ tịch gồm: bà Trần Thị Hồng Hạnh, bà Trần Thị Kim Lan và ông Phan Hồng Ân