Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam nhằm phát huy tốt vai trò trong công tác xây dựng Đảng, xây chính quyền trong sạch, vững mạnh
Theo Luật MTTQ Việt Nam được ban hành thì “MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân… tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Xác định được vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn nói chung, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh, Thành phố nói riêng đã và đang phát huy tốt trách nhiệm, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong xây dựng, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống, mức sống của người dân trên địa bàn hoạt động; xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Trong những năm qua, UBMTTQVN các cấp đã và đang thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ theo Luật định và Điều lệ MTTQVN. Đặc biệt, vai trò của các tổ chức thành viên và của các tổ chức tư vấn được phát huy, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ giúp MTTQ thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Trong đó, các thành viên trong Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp đã phát huy tính tích cực, chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động, chương trình giám sát, phản biện hoặc tham gia góp ý các đề án, dự án, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật do UBND cùng cấp chủ trì. Mặt khác, Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp trong quá trình thực hiện chức năng,nhiệm vụ theo Luật và Điều lệ, trong đó tập trung thực hiện chức năng giám sát, phản biện đã luôn tạo điều kiện để các thành viên của các tổ chức trực thuộc, nhất là thành viên các tổ chức tư vấn (các Hội đồng Tư vấn thuộc UBMTTQVN tỉnh, các Ban Tư vấn thuộc UBMTTQVN cấp Thành phố và Tổ tư vấn thuộc UBMTTQVN cấp phường) với khả năng nghiệp vụ, chuyên môn và kinh nghiệm có được khi còn đảm nhận công việc Đảng, Nhà nước giao đã tích cực đầu tư, nghiên cứu, chủ động trao đổi các nội dung liên quan, cần thiết trong nội bộ tổ chức tư vấn để có sự nhất trí cao hoặc tham mưu, đề xuất với Ban Thường trực UBMTTQVN cùng cấp để nâng cao hiệu quả trong thực hiện các chức năng trên.
Bên cạnh đó, UBMTTQVN các cấp cũng đã xây dựng và phát động các phong trào thi đua ái quốc thiết thực, phù hợp thực tế và tạo động lực để các đối tượng tham gia tôt hơn, tạo sự lan toả trong cộng đồng, nhất là các hoạt động mang tính nhân đạo, nhân văn gắn với đời sống người dân; phối hợp với chính quyền cùng cấp xây dựng nhiều mô hình từ thực tiễn cuộc sống như mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường, tổ bảo vệ an ninh trật tự, camera an ninh, câu lạc bộ nữ nhà trọ, tổ chuyển đổi số, hội doanh nhân trẻ, nhà trọ nhân ái – nghĩa tình Đất Thủ,…..góp phần quan trọng trong phát huy, khai thác tiềm năng, động lực và tài lực trong nhân dân.
MTTQ Việt Nam các cấp, nhất là cấp phường và Ban công tác Mặt trận ở khu phố đã năng động, tích cực, quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch và nội dung thiết thực cho ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức hằng năm nhân ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam - ngày 18 tháng 11 hoặc trong các hoạt động tiếp xúc cử tri đã chủ động phối hợp cùng Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp vận động người dân tham gia đầy đủ và phát biểu ý kiến, kiến nghị cụ thể, chân tình, giúp các vị đại biểu HĐND cùng cấp nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và các khó khăn, vướng mắc của cơ sở và trong nhân dân; góp phần tạo sự kết nối trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ trong hoạt động vì cộng đồng và xây dựng chính quyền các cấp theo luật định.
Đồng thời, thông qua công tác tiếp xúc cử tri, hội nghị nhân dân, ngày hội đại đoàn kết, các phong trào thi đua ái quốc và nhất là phát huy tính tích cực, nhiệt tình và trách nhiệm của từng thành viên Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã cho thấy tinh thần dân chủ ở cơ sở đã được phát huy và từng bước được nâng cao, thực hiện ngày càng hiệu quả.
Tuy nhiên cũng từ thực tiễn chúng ta cũng nhận thấy hoạt động của MTTQ Việt Nam nói chung, MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn Thành phố nói riêng cần có sự đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức MTTQ nhằm phát huy cao hơn nữa vai trò của mình trong hệ thống chính trị, nhất là trong công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp.
Trước tiên phải tổ chức thực hiện tốt Luật MTTQ Việt Nam và Điều lệ MTTQ Việt Nam. Muốn thế, bản thân UBMTTQVN nói chung, Ban Thường trực UBMTTQVN nói riêng cần tập trung nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai tốt các quy định của Luật MTTQ Việt Nam và Điều lệ được ban hành, trong đó cần tập trung nghiên cứu, phát huy tính tiên phong, chủ động trong hoạt động. Mặt khác MTTQ Việt Nam cũng cần đề xuất và tranh thủ sự lãnh đạo, đồng tình, ủng hộ của cấp uỷ Đảng, chính quyền cùng cấp trong mọi công việc, mọi hoạt động.
Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cần phát huy tính đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn kết Nhân dân (thông qua các mô hình từ thực tiễn); UBMTTQVN cần phát huy và xây dựng tốt mối quan hệ giữa Mặt trận với chính quyền, các tổ chức kinh tế, các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức thành viên khác để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một nội dung và cũng là hoạt động theo chức năng quy định trong Luật MTTQ Việt Nam. Đó là hoạt động giám sát, là tổ chức đại diện cho Nhân dân giám sát các hoạt động của Nhà nước, do đó, các hoạt động của MTTQ Việt Nam trong thực hiện chức năng giám sát phải được bảo đảm đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Từ vấn đề trên cho thấy, việc đặt vấn đề và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình giám sát phải được sự quan tâm nhiều hơn và khi thực hiện phải thực sự dân chủ, cẩn trọng nhằm đảm bảo đúng trọng tâm giám sát; đối với những vấn đề có liên quan đến người dân, MTTQVN và các tổ chức tư vấn cũng cần tập trung tìm hiểu các vấn đề từ thực tiễn, đối chiếu quy định pháp luật và luôn chú ý lắng nghe phản ánh của các bên có liên quan. Qua đó, các tổ chức thành viên, kể cả tổ chức tư vấn cần chủ động đề xuất Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam các hướng xử lý theo quy định pháp luật, đảm bảo nguyện vọng chính đáng, thấu tình đạt lý và quan trọng nhất là tạo sự an lòng cho người dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; đối với các cấp uỷ Đảng- chính quyền trên địa bàn tỉnh.
Riêng về nội dung giám sát, UBMTTQVN cũng cần xây dựng nhiều chương trình giám sát chuyên đề; cần lựa chọn nội dung giám sát cụ thể, nhất là những vấn đề nóng, những vấn đề nhân dân đặc biệt quan tâm, trong đó đặc biệt cần giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong và thái độ phục vụ nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tránh tràn lan, theo số lượng và hình thức v.v.. sẽ dẫn đến giám sát không chất lượng và đối tượng được giám sát (người đứng đầu) sẽ có tư tưởng, thái độ xem thường việc giám sát của MTTQ vì không có thực quyền như Thanh tra Nhà nước và Kiểm tra của Đảng).
Mặt khác, UBMTTQ Việt Nam cũng cần nghiên cứu tổ chức giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam; nghiên cứu tổ chức các hình thức giám sát khác nhau như: Tổ chức đoàn giám sát; Thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và nhất là có sự tham gia của các tổ chức tư vấn.
Một nội dung khác cũng cần lưu tâm là thực hiện chức năng phản biện. Về vấn đề này, việc phản biện được phân công hoặc được mời tham gia phản biện thì chủ yếu chính là các thành viên tổ chức tư vấn cho nên các thành viên của các tổ chức này cũng cần phát huy trách nhiệm, tích cực nghiên cứu từ thực tiễn, các chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước hoặc các văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành để đặt ra các vấn đề như: đã làm rõ, chưa làm rõ; phù hợp, chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của khu vực hoặc cần làm rõ giá trị thực tiễn, việc thụ hưởng của nhân dân trong khu vực đề án sẽ thực hiện v.v…giúp các chủ dự án, đề án và đơn vị, tổ chức chủ trì hội nghị có thêm kênh tham khảo, để xem xét, điều chỉnh hoặc thay đổi một phần, đảm bảo mục tiêu và hiệu quả mà đề án, dự án đặt ra.
Chúng ta cũng biết rằng thực hiện việc phản biện xã hội của MTTQ là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước. Do đó, khi MTTQVN cấp tổ chức phản biện, ngoài việc tổ chức hội nghị, gửi dự thảo nội dung cần phản biện thì cũng nên gợi mở và có chính kiến đối với những vấn đề được nêu lên tại hội nghị phản biện.
Với tính chất công việc như thế cho nên phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn nhằm giúp cho MTTQVN phát huy vai trò trong hệ thống chính trị cũng là một trong các nội dung cần có sự quan tâm sâu sát, thấu đáo của cấp có thẩm quyền. Và để thực hiện tốt chức năng phản biện thì MTTQ nói chung, các tổ chức thành viên và tổ chức tư vấn cần không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, trong đó chú ý thay đồi và đa dạng hóa hình thức phản biện xã hội; từng thành viên tổ chức tư vấn chủ động và nêu cao trách nhiệm trong việc nắm bắt thêm các vấn đề có liên quan đến nội dung phản biện nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động phản biện xã hội của MTTQ cùng cấp.
Việc phát huy tích cực vai trò tổ chức tư vấn cùng sự nhiệt huyết, uy tín và trách nhiệm của thành viên tổ chức tư vấn khi tham gia giám sát, phản biện các vấn đề liên quan đến đời sống người dân, xã hội và hoạt động của chính quyền rất quan trọng, nó sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện, giúp MTTQ phát huy có hiệu quả vai trò của mình trong việc tham gia xây dựng và giúp Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp ban hành những quyết sách, chính sách hợp lòng dân.
Từ thực tiễn hoạt động của MTTQVN các cấp, các tổ chức thành viên của MTTQVN và hoạt động của các tổ chức tư vấn và để phát huy vai trò của các tổ chức này cũng như để hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào nề nếp, đạt hiệu quả cao, Ban Thường trực UBMTTQ, các tổ chức thành viên và các tổ chức tư vấn cần có sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ và phải chủ động trong thực hiện công việc; luôn gần dân, luôn chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân, phản ánh cho Đảng, Nhà nước một cách trung thực, kịp thời, tránh qua loa, hình thức./.
Nguyễn Quốc Dũng – Hiệp Thành