Gương "Đoàn kết sáng tạo": Anh Nguyễn Văn Bỉnh, xã Trừ Văn Thố, H. Bàu Bàng với mô hình "Rau an toàn nhà lưới"
Phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế địa phương, nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu thị trường, tận dụng được hiệu quả từ những nguồn lực hỗ trợ, chịu khó học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Bỉnh, sinh năm 1978, hội viên Hội nông dân, tổ trưởng tổ hợp tác rau an toàn nhà lưới xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng đã ghi dấu thành công với các sản phẩm rau an toàn.
Những câu chuyện vụn vặt Bỉnh quan sát được trong cuộc sống (kiểu như anh này nuôi dế bằng rau ngoài chợ thì sau một thời gian dế chết, còn nuôi bằng rau tự trồng thì nó lại sống khỏe; hoặc như có nhiều người mắc bệnh ung thư trong khi họ sống rất điều độ, không áp lực...) làm dấy lên trong lòng anh mối nghi ngại về sự an toàn của rau củ trong sinh hoạt hàng ngày. Bỉnh quyết định đi đến các chợ đầu mối, các nhà vườn để biết sự thật.
Biết rồi thì sợ. Từ sợ, Bỉnh chuyển hẳn sang trồng rau, tự cung tự cấp. Năm 2017, anh tự trồng rau không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật với mong muốn phục vụ cho nhiều người dùng hơn.
Anh Bỉnh tâm sự: “Tôi sợ hóa chất và tôi tin không người nông dân nào cảm thấy dễ chịu khi phải tiếp xúc với các chất hóa học. Quan trọng hơn, đất Trừ Văn Thố đủ tốt và ta có đủ kỹ thuật để trồng rau mà không cần dùng đến hóa chất. Ông bà ta cũng từng trồng rau mà không phụ thuộc vào hóa chất”.

Sau những vất vả ban đầu, đến nay, Bỉnh đã liên kết được với hơn 04 hộ nông dân tại Trừ Văn Thố trồng Rau an toàn nhà lưới trên tổng diện tích 0,5 héc ta, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường 500 ký rau. Sản lượng có thể tăng lên hơn 1 tấn/ngày vào năm tới vì ngày càng có nhiều người dân Trừ Văn Thố tham gia sản xuất rau không hóa chất nhờ tham gia lớp học đào tạo kỹ thuật trồng Rau an toàn nhà lưới do xã tổ chức.
Nhưng đi cùng với việc tăng nguồn cung Rau an toàn nhà lưới là mối lo về giá cả. Trung bình một ký Rau an toàn nhà lưới có giá cao gấp 2 lần so với rau cùng loại được bán ở chợ. Để giải thích mức giá này, Bỉnh đưa ra ba lý do chính.
Thứ nhất, rau dùng hóa chất kích thích tăng trưởng có thời gian cho thu hoạch chỉ bằng một phần ba so với rau trồng theo phương pháp hữu cơ. Như vậy, rau trồng với hóa chất có năng suất gấp 3 lần rau hữu cơ.
Thứ hai, do không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên tỷ lệ hao hụt do sâu bệnh của Rau an toàn nhà lưới cao hơn so với rau có dùng thuốc.
Thứ ba, để thay thế phân hóa học với cùng hàm lượng dinh dưỡng cho rau, người nông dân phải dùng phân hữu cơ với chi phí đắt hơn và trong thời gian dài hơn. Ngoài ba lý do này, việc trồng rau theo phương pháp hữu cơ còn đòi hỏi người nông dân nhọc công hơn rất nhiều.
Về lý thuyết, ai cũng muốn bảo vệ sức khỏe và có lẽ không ai đi mặc cả với sức khỏe của mình. Nếu người tiêu dùng có thể chi 30.000-50.000 đồng cho một ly cà phê trong quán thì sao lại không thể chi từng ấy tiền mua một ký rau an toàn cho gia đình? Hẳn ai cũng muốn thà chi tiền cho nông dân để mình có thực phẩm an toàn hơn là chi tiền chữa bệnh để tìm kiếm lại sức khỏe. Nhưng lý thuyết là lý thuyết, thực tế là trong Bỉnh vẫn đầy ắp nỗi lo nhưng anh và các bạn đồng hành vẫn tin tưởng rau sạch an toàn nhà lưới sẽ dần dần được bà con tiếp nhận và phát triển nhiều hơn. Năm 2023 tổ hợp tác rau an toàn nhà lưới đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận OCOP về sản phẩm rau an toàn, khẳng định giá trị và chất lượng rau sạch của tổ hợp tác rau an toàn.
Qua mô hình trồng rau nhà lưới trên địa bàn xã Trừ Văn Thố, có thể thấy, ngoài việc tăng thêm thu nhập, mô hình còn tạo việc làm cho lao động ở địa phương và hình thành phương thức sản xuất mới - trồng rau an toàn, cung cấp rau quanh năm cho thị trường. Nhờ những cá nhân điển hình ở khu dân cư đã góp phần đổi mới diện mạo nông thôn mới ở xã Trừ Văn Thố ngày càng khởi sắc, góp phần tích cực vào việc thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc xã phát động.
MTTQ xã Trừ Văn Thố