TOÀN VĂN BÀI DIỄN VĂN CỦA TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN PHÚ TRỌNG TẠI LỄ KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MTTQ VIỆT NAM (PHẦN I)
Ngày 18/11, tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020) và trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài diễn văn quan trọng tại buổi Lễ. Ban Biên tập trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu ý nghĩa này.
DIỄN VĂN
CỦA ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN PHÚ TRỌNG
tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập
Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020)
(Hà Nội, ngày 18/11/2020)
-----
Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài,
Thưa các vị đại biểu, khách quý,
Trong không khí cả nước hân hoan, phấn khởi trước thành công của đại hội đảng bộ các cấp và đang tích cực chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV vừa kết thúc và thành công tốt đẹp, hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, chúng ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020) - một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân cả nước, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các vị lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, các gia đình và người có công với nước; các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa các vị đại biểu, thưa đồng chí và đồng bào,
Chúng ta đều đã biết, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Ông cha ta đã từng tổng kết: "Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"; "Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết"; "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng"; "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"... Đến thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng ý chí và tinh thần đoàn kết được xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ đã nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công". Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chưa được bao lâu, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất 18/11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc".
Suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã ra sức hoạt động, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930 - 1945), do yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, tổ chức Mặt trận mang nhiều tên gọi khác nhau, như: Hội Phản đế đồng minh (11/1930), Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (11/1936), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3/1938) và Việt Nam Độc lập Đồng Minh (5/1941), gọi tắt là Việt Minh. Mặt trận Việt Minh đã động viên, tổ chức mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết, vùng lên Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành độc lập dân tộc, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, nhằm đoàn kết các tầng lớp nhân dân yêu nước, lấy liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng, kết hợp tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế vô sản, Việt Minh và Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) đã hợp nhất thành một mặt trận dân tộc thống nhất, lấy tên là Mặt trận Liên - Việt. Mặt trận Liên - Việt ra đời là cơ sở quần chúng rộng rãi để bảo vệ Đảng và Nhà nước ta, trở thành trụ cột quan trọng của Nhà nước Dân chủ Nhân dân, tập hợp được sức mạnh to lớn của toàn dân ta, đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau Hiệp định Giơnevơ, ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua Cương lĩnh Mặt trận, ban hành chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở miền Bắc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức yêu nước và tiến bộ, động viên mọi lực lượng của toàn dân tộc để xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, đấu tranh thực hiện mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Ở miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, công bố chương trình 10 điểm nhằm đánh đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và tay sai của đế quốc Mỹ, xây dựng một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Ngày 20/01/1968, Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam được thành lập. Đây là tổ chức liên minh to lớn, đoàn kết rộng rãi hơn nữa các tầng lớp nhân dân miền Nam, thực hiện nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất họp từ ngày 31/01/1977 đến ngày 04/02/1977 đã quyết định thống nhất ba tổ chức Mặt trận, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội thông qua Chương trình hoạt động và Điều lệ nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân cả nước, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thưa các vị đại biểu, đồng bào, đồng chí,
Kể từ ngày thành lập đến nay, ở bất kỳ thời kỳ nào, tổ chức Mặt trận cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Trong công cuộc đổi mới, với nhiều hình thức tổ chức và vận động nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hoá và con người Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội; tích cực tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các văn kiện trình đại hội đảng các cấp; kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Đảng và Nhà nước phát động, hằng năm, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phát động tháng cao điểm "Vì người nghèo", khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp, chung tay giúp đỡ người nghèo. Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên thường xuyên tổ chức chăm lo các gia đình chính sách, người có công, nhất là vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Tết cổ truyền của dân tộc… Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai với nhiều giải pháp mới nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước.
Với phương châm "Chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả", hoạt động đối ngoại nhân dân của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên ngày càng được tăng cường và đổi mới, có trọng tâm, mở rộng về địa bàn, lĩnh vực, đa dạng về đối tượng, góp phần hiện thực hoá chủ trương, đường lối giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, hợp tác và phát triển, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Gần đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, với tinh thần chống dịch như chống giặc, đã có những nỗ lực to lớn và đạt được kết quả bước đầu trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Để kết nối sự chung tay, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Lời kêu gọi "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19". Những tấm gương của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an cùng với sự góp sức của mỗi người dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 chính là biểu hiện sinh động của truyền thống yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Những thành tích đạt được trong 90 năm qua đã khẳng định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta. Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã 2 lần vinh dự được trao tặng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước. Tại Lễ kỷ niệm hôm nay, Mặt trận tiếp tục vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Nhân ngày truyền thống vẻ vang 90 năm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những cố gắng, nỗ lực, sự đóng góp, cống hiến to lớn và những bước phát triển của Mặt trận qua các chặng đường lịch sử, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế và điều quan trọng nhất là cần tìm ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Đó là: Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân. Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa kịp thời được thể chế hoá, hoặc đã thể chế hoá nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp có lúc, có nơi chưa sâu sát; còn có biểu hiện hành chính hoá, chưa thiết thực, hiệu quả. Sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới; công tác giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. (còn tiếp)